Hệ thông MES

Với sự giúp sức đến từ các hệ thống vận hành thông minh như hệ thống MES, doanh nghiệp có thể nâng cao năng suất và giải phóng nhà xưởng khỏi các quy trình thủ công, từ đó nâng cao tiềm lực phát triển. Vậy hệ thống vận hành sản xuất MES là gì? Các doanh nghiệp, nhà quản lý cần biết gì về MES? Tất cả sẽ được tiết lộ qua bài viết dưới đây.

Hệ thống vận hành sản xuất MES là gì?
Hệ thống vận hành sản xuất MES là gì?

1. Hệ thống vận hành sản xuất MES là gì?

Hệ thống MES là từ viết tắt của Manufacturing Execution System – dịch ra tiếng Việt là hệ thống điều hành sản xuất nhà máy. MES là một hệ thống quản lý sản xuất, giám sát khu vực sản xuất theo thời gian thực, khác với ERP – hệ thống quản lý toàn bộ thông tin trong doanh nghiệp như kế toán, mua hàng, bán hàng, kho … giúp doanh nghiệp lên các kế hoạch phát triển toàn diện. Trong khi đó MES đi sâu vào giai đoạn sản xuất, thúc đẩy tiến trình sản xuất của doanh nghiệp.

Vị trí của MES trong hệ thống sản xuất doanh nghiệp
Vị trí của MES trong hệ thống sản xuất doanh nghiệp

Trong quy trình sản xuất của doanh nghiệp, MES đứng ở vị trí trung gian và là cầu nối giữa 2 hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning – hệ thống hoạch định nguồn lực của doanh nghiệp) và SCADA (Supervisory Control And Data Acquisition – hệ thống giám sát điều khiển và thu thập dữ liệu).

2. 5 chức năng chính của hệ thống MES trong sản xuất

Với nhiệm vụ chính là theo dõi và điều hành quá trình quá trình sản xuất, 5 chức năng chính sau đây của hệ thống MES sẽ giúp người quản lý đưa ra những quyết định nhanh chóng theo thời gian thực.

2.1. Quản lý cấu trúc sản phẩm – quy trình sản xuất

MES giúp cấu trúc sản phẩm (BOM – Bill of Materials) được quản lý một cách trực quan theo sơ đồ tư duy, giúp quy trình sản xuất được phân chia mạch lạc, người quản lý dễ dàng nắm chắc và có ý tưởng chính xác về quy trình sản xuất cũng như thiết kế cũng như kiểm soát các phiên bản thiết kế, vòng đời sản phẩm. Đặc biệt với các mô hình có tính tự động hóa cao, nhà máy sản xuất càng cần 1 hệ thống khoa học để kiểm soát an toàn, cũng như tiến độ quy trình.

BOM được MES sơ đồ hóa và lưu trữ thành các phiên bản, tiện lợi cho doanh nghiệp quản lý
BOM được MES sơ đồ hóa và lưu trữ thành các phiên bản, tiện lợi cho doanh nghiệp quản lý

2.2. Lập kế hoạch sản xuất

Hệ thống MES thu thập các dữ liệu liên tục, giúp cho cơ sở dữ liệu được cập nhật dữ liệu theo thời gian thực. Qua việc khai thác dữ liệu trên, người quản lý nắm rõ hiện trạng và khả năng hoạt động của nhà máy nhờ các chỉ số như:

  • Các luồng công việc, thời gian sản xuất, các đơn giao hàng và thời gian giao hàng.
  • Nguồn lực con người.
  • Lượng nguyên liệu sẵn có có nhà máy, số hàng tồn kho.
  • Mức độ sẵn sàng của nguyên liệu.
  • Hiệu suất máy móc.
Hệ thống MES giúp lập kế hoạch sản xuất hiệu quả
Hệ thống MES giúp lập kế hoạch sản xuất hiệu quả

Qua việc phân tích các thông tin về nguồn lực trên, nhà máy có thể lập các kế hoạch sản xuất tận dụng các lợi thế sẵn có, cải tạo các yếu điểm, tạo ra một kế hoạch sản xuất phù hợp với khả năng (capacity) và tính sẵn có (availability) của công xưởng cũng như chuẩn bị cho các kịch bản và các phương án dự phòng đối với các sự cố có thể phát sinh.

Điều này giúp doanh nghiệp luôn nắm thế chủ động trong bất kỳ tình huống nào, tạo nên hình ảnh một đối tác đáng tin cậy trước các khách hàng, người tiêu dùng cũng như nhân công trong nhà máy.

2.3. Vận hành – Điều độ sản xuất

Một kế hoạch sản xuất hoàn hảo là tiền đề giúp cho quy trình sản xuất trơn tru khi đi vào vận hành hiệu quả. Kết hợp cùng hệ thống dữ liệu được cập nhật liên tục, việc kiểm soát tiến độ sản xuất trở lên nhanh gọn và dễ dàng hơn bao giờ hết. Trong khi thông thường, công tác thu thập dữ liệu cấp cơ sở thường chồng chéo, mất số liệu, hoặc phát sinh các sai số trong hệ thống, MES giúp giảm thời gian cho các tác vụ thủ công tối đa.

MES giúp hệ thống vận hành trơn tru
MES giúp hệ thống vận hành trơn tru

Nhờ vậy mà nhà quản lý dễ dàng phát hiện các quy trình tiêu đang tiêu tốn thời gian hơn, ước lượng thời gian sản xuất từ đó đưa ra các phương án điều phối tiến độ, phối hợp xưởng, kiểm soát các cụm máy cũng như kiểm soát xuất nhận của hàng hóa và vật tư để đảm bảo tiến độ sản xuất đạt mục tiêu đã đề ra.

2.4. Quản lý giám sát chất lượng sản phẩm

Nhờ việc kiểm soát được cấu trúc sản phẩm, người sử dụng dễ dàng khai báo tiêu chuẩn chất lượng của từng nguyên vật liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kiểm tra nguyên liệu đầu vào và giám sát chất lượng sản phẩm đầu ra khi bàn giao đơn hàng cho khách.

Hệ thống MES cho phép quản lý chất lượng của các sản phẩm trong quá trình sản xuất
Hệ thống MES cho phép quản lý chất lượng của các sản phẩm trong quá trình sản xuất

Thông tin chất lượng sản phẩm sẽ được tổng hợp và lưu trữ tập trung trên hệ thống MES, giúp doanh nghiệp dễ dàng tạo các báo cáo về chất lượng sản phẩm, truy dấu các thông tin về chất lượng vật liệu, hàng hóa khi cần, bao gồm cả các lỗi và điều kiện sản xuất khi lỗi xảy ra. Chức năng này được MES cung cấp cho người sử dụng trên hệ thống hoặc người sử dụng có thể sử dụng các phần mềm bên ngoài đã liên kết với hệ thống MES để thực hiện.

2.5. Quản lý máy móc, trang thiết bị

Sau một thời gian hoạt động, máy móc cần được hiệu chỉnh và bảo dưỡng để tối đa hóa thời gian khai thác. Ví dụ như một chiếc xe máy cần được thay dầu sau mỗi chu kỳ 1000km, nếu không hiệu xuất máy của xe sẽ giảm và xe nhanh chóng bị hỏng hóc, thời gian sử dụng xe sẽ ngắn đi rất nhiều. Tuy nhiên, khác với chiếc xe máy hiện rõ ràng số ki-lô-mét mà xe đã đi, một nhà máy có hàng nghìn cụm máy, việc theo dõi sát bảo dưỡng và quản lý máy móc, trang thiết bị không phải một công việc dễ dàng.

Hệ thống MES giúp tối ưu quy trình bảo dưỡng máy
Hệ thống MES giúp tối ưu quy trình bảo dưỡng máy

Hệ thống MES với các thông tin về tình trạng hoạt động của các thiết bị kết hợp với thông tin của hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm để cung cấp các báo cáo liên quan giữa chất lượng sản phẩm và tình trạng thiết bị. MES giúp:

  • Khắc phục tình trạng doanh nghiệp để quá thời gian bảo trì máy.
  • Tránh hao phí nguồn lực về cả con người và tài chính cho quá trình bảo dưỡng thiết bị, máy móc.
  • Hỗ trợ công tác lên lịch bảo trì – bảo dưỡng định kỳ.
  • Đưa ra các cảnh báo về sự cố đột xuất.
  • Hỗ trợ công tác xác định nguyên nhân hư hỏng nhanh chóng.

3. 6 lợi ích doanh nghiệp được hưởng lợi từ MES

Bên cạnh các chức năng cơ bản và thiết thực trên, hệ thống MES có nhiều tác vụ khác phục vụ cho quá trình quản lý vận hành của nhà máy. Nhờ vậy mà khi áp dụng hệ thống MES trong sản xuất, doanh nghiệp được hưởng lợi rõ rệt từ công tác phân bố nguồn lực sản xuất.

3.1. Tăng năng suất sản xuất, giảm chi phí lao động

Hệ thống MES cung cấp một quy trình quản lý sản xuất khép kín tối ưu, ghi nhận báo cáo và yêu cầu phản ứng trong thời gian thực, khắc phục các lãng phí phát sinh trong quá trình sản xuất bao gồm:

  • Vận chuyển (Transportation): Trong quá trình di chuyển hàng hóa giữa các công đoạn có thể xảy ra hỏng hóc, thất thoát, chậm trễ và doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn chi phí này.
  • Tồn kho (Inventory): Các nguyên liệu, bán thành phẩm, và sản phẩm tồn kho phản ánh nguồn vốn bỏ ra nhưng chưa tạo ra doanh thu. Điều này gây lãng phí trực tiếp tới tài chính của doanh nghiệp.
  • Thao tác (Motion): Do thiết kế công xưởng kém, quản lý luồng công việc chưa thực sự tốt có thể dẫn đến các thao tác thừa của công nhân, từ đó làm tăng thời gian thực hiện và chậm tốc độ làm việc.
  • Chờ đợi (Waiting): Chờ đợi là thời gian nhàn rỗi của công nhân và máy móc, bởi sự tắc nghẽn hay luồng sản xuất trong phân xưởng thiếu hiệu quả. Dẫn đến việc lãng phí chi phí lao động và khấu hao thiết bị, tăng chi phí cho từng đơn vị sản phẩm.
  • Gia công thừa (Over Processing): Gia công vượt quá yêu cầu của khách hàng, gia công vượt quá chất lượng cần đạt, sử dụng nhiều hơn nguồn lực cần thiết…
  • Sản xuất thừa (Overproduction): Là lượng sản xuất nhiều hơn so với đơn hàng của khách hàng. Điều này dẫn đến tăng chi phí khai thác kho, bảo quản, chi phí lao động,..
  • Khuyết tật (Detect): Khuyết tật bao gồm tất cả các sai sót về giấy tờ cũng như sản phẩm, dẫn đến việc tốn thời gian trong quá trình sản xuất, tăng chi phí nhân công thời gian bán sản phẩm kéo dài, trì trệ trong việc xoay vòng vốn của doanh nghiệp.
Với MES doanh nghiệp dễ dàng hoạch định cơ chế để giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu suất nhà máy
Với MES doanh nghiệp dễ dàng hoạch định cơ chế để giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu suất nhà máy

Với việc doanh nghiệp nâng cấp nhà xưởng lên Smart Factory (nhà máy thông minh) với MES, các số liệu được thống kê liên tục và được phân tích một cách dễ dàng. Các lãng phí được tính toán cẩn thận, phân định trách nhiệm, tìm nguyên nhân cốt lõi, từ đó loại trừ và giảm thiểu các lãng phí trên. Nhờ vậy mà năng suất sản xuất tăng, chi phí cho lao động giảm, giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận ròng.

3.2. Tăng chất lượng sản phẩm – giảm lỗi

Chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được nâng cao nhờ công tác quản lý giám sát chất lượng sát sao từ khâu kiểm định chất lượng đầu vào đến kiểm soát chất lượng đầu ra. Hệ thống MES cho phép người sử dụng dễ dàng phát hiện các vấn đề trong các quy trình nhờ sự ưu việt của phương pháp phân tích thống kê dữ liệu khoa học và thông minh. Đảm bảo các yếu tố giúp tăng chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp và giảm chi phí khấu hao do các lỗi phát sinh như:

  • Nguồn nguyên liệu chất lượng
  • Quy chuẩn chất lượng sản phẩm luôn rõ ràng
  • Hệ thống máy móc vận hành trơn chu, hạn chế phát sinh ra lỗi dây chuyền.
Hệ thống MES giúp tăng chất lượng sản phẩm, giảm lỗi cho các thành phẩm ở đầu ra của quá trình sản xuất
Hệ thống MES giúp tăng chất lượng sản phẩm, giảm lỗi cho các thành phẩm ở đầu ra của quá trình sản xuất

3.3. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng Lean  – Six Sigma

Mô hình Lean – Six Sigma (LSS) là một phương pháp quản lý tập trung theo nhóm thông qua việc loại bỏ sự lãng phí và các khiếm khuyết để cải thiện hiệu suất lao động và phát huy tốt nhất tiềm năng nội tại. Để giải thích đơn giản, bất kỳ loại tài nguyên nào không tạo ra được giá trị cho khách hàng đều gây lãng phí nguồn lực và cần được loại bỏ.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phát hiện các nguồn lực không tạo ra giá trị cho khách hàng
Hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phát hiện các nguồn lực không tạo ra giá trị cho khách hàng

Hệ thống MES là hệ thống điều khiển quá trình sản xuất và trao đổi việc lưu trữ dữ liệu sản xuất của doanh nghiệp. Với sự linh hoạt trong công nghệ, các module mới cho phép MES hệ thống hóa tiến trình sản xuất, kiểm tra và tính toán và phân tích các chỉ số về thời gian, công suất, từ đó doanh nghiệp dễ dàng phát hiện được các công đoạn thừa và đang gây lãng phí nguồn lực.

3.4. Cải thiện sự tuân thủ quy định sản xuất

Sử dụng hệ thống MES trong sản xuất tạo ra một cơ sở dữ liệu tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng cho quy trình sản xuất của doanh nghiệp, không chỉ về mặt sản phẩm mà còn cả ở khía cạnh an toàn lao động, an toàn môi trường mà doanh nghiệp cần kiểm soát. Nhờ vậy mà giảm được các rủi ro về mặt con người cũng như là về mặt pháp lý có thể phát sinh, giúp doanh nghiệp gây dựng hình ảnh của một cơ sở sản xuất uy tín trước mặt các đối tác.

Dưới sự giám sát chặt chẽ, các quy định sản xuất được thực thi chuẩn mực
Dưới sự giám sát chặt chẽ, các quy định sản xuất được thực thi chuẩn mực

3.5. Loại bỏ các thủ tục giấy tờ thủ công và cồng kềnh

Việc các thông tin dữ liệu được cập nhật trên máy tính và được quy hoàn toàn về một mối giúp doanh nghiệp đơn giản hóa các quy trình, cho phép cung cấp một hồ sơ duy nhất cho toàn doanh nghiệp. Từ đó tạo nên một luồng thông tin chính chuyên, loại bỏ các lỗ hổng và các thủ tục giấy tờ rườm rà trong hệ thống của doanh nghiệp. Việc truy xuất dữ liệu cũng như cập nhật hồ sơ được tinh giản, loại bỏ chi phí thời gian dành cho các công việc bàn giấy so với trước kia.

MES giúp loại bỏ các thủ tục cồng kềnh của doanh nghiệp
MES giúp loại bỏ các thủ tục cồng kềnh của doanh nghiệp

3.6. Giảm hàng tồn kho và khấu hao máy móc

Dữ liệu xuất nhập nguyên liệu và kho bãi được hệ thống MES kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp tận dụng được nhà xưởng của mình. Các máy móc cũng được thống kê và xếp chu trình bảo dưỡng rõ ràng, mạch lạc nhờ module quản lý bảo dưỡng của MES. Nhờ vậy, doanh nghiệp giảm được chi phí khấu hao máy móc, thuê kho bãi, giảm lượng hàng tồn kho không đáng có của mình.

Giảm tồn kho và khấu hao nhờ hệ thống MES
Giảm tồn kho và khấu hao nhờ hệ thống MES

4. Những doanh nghiệp nên chọn MES trong quá trình vận hành

Lựa chọn thay đổi hệ thống quản lý không phải là điều đơn giản đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, nhất là với doanh nghiệp với triết lý kinh doanh truyền thống. Vậy doanh nghiệp nào nên lựa chọn thay đổi và tiếp cận hệ thống MES 4.0? Đó là những doanh nghiệp:

  • Muốn dẫn đầu xu thế và luôn đổi mới để vươn lên
  • Doanh nghiệp gặp vấn đề trong sản xuất
  • Doanh nghiệp mới mở rộng quy mô sản xuất

Hệ thống MES là sự lựa chọn hoàn hảo cho các doanh nghiệp trên, bởi MES thỏa mãn tất cả các yếu tố như:

  • Công  nghệ được cập nhật và cải tiến liên tục, có khả năng cá nhân hóa theo hình thức kinh doanh và nhu cầu của doanh nghiệp.
  • Khả năng giám sát vòng đời sản phẩm, chu trình vận hành của quá trình sản xuất, đáp ứng nhu cầu nhận phản hồi và ra yêu cầu giải quyết vấn đề theo thời gian thực.
  • Hệ thống MES hỗ trợ tiến trình chuyên môn hóa từng giai đoạn sản xuất, tổng hợp và thống nhất hệ thống thông tin trong sản xuất 1 cách khoa học.

5. Mối quan hệ giữa hệ thống MES và các hệ thống khác

Để tối ưu được các lợi ích mà MES mang lại, các nhà lãnh đạo nên đồng bộ hóa hệ thống toàn doanh nghiệp theo công nghệ phù hợp. Hệ thống MES hoạt động hiệu quả nhất cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cấp quản lý chiến lược ở ERP, và các cấp như giám sát, điều hành, điều khiển nhà máy.

Mô hình vai trò của hệ thống quản lý doanh nghiệp dưới dạng kim tự tháp 
Mô hình vai trò của hệ thống quản lý doanh nghiệp dưới dạng kim tự tháp

Các cấp quản lý này có những nhiệm vụ và vai trò khác nhau như sau:

  • Tầng 1 – Nhà máy: Bao gồm tất cả các thiết bị cảm biến, đo và truyền thông tin ở nhà máy, tầng này cung cấp thông tin cho hệ thống điều khiển trung tâm.
  • Tầng 2 – Các hệ thống điều khiển trung tâm: Là hệ thống điều khiển trung tâm kết nối đến cảm biến, thiết bị đo để thu thập thông tin, và đưa các thông tin, báo cáo này đến SCADA.
  • Tầng 3 – Các hệ thống giám sát, cảnh báo (SCADA): Là hệ thống theo dõi giám sát, hiển thị thông tin từ các hệ thống điều khiển trung tâm đưa ra.
  • Tầng 4 – Các hệ thống điều hành hoạt động sản xuất (MES): Là hệ thống các ứng dụng điều hành nhằm thu thập các thông tin từ các tầng bên dưới, lưu trữ đưa ra các báo cáo phân tích và hỗ trợ các quyết định xử lý ở cấp độ thực thi chi tiết công tác vận hành tại nhà máy. Đảm bảo quá trình hoạt động của nhà máy trơn tru, thuận lợi theo kế hoạch mà ERP đã đặt ra.
  • Tầng 5 – Các hệ thống quản lý tổng thể (ERP): Là các hệ thống quản lý toàn bộ các nghiệp vụ của các phòng ban khối văn phòng của doanh nghiệp. ERP đưa ra các kế hoạch dài hạn, kiểm soát tiến trình thực thi kế hoạch của doanh nghiệp. ERP ở đứng ở đỉnh, chiếm vị trí quan trọng nhất trong tháp hệ thống quản lý doanh nghiệp sản xuất.

Trên đây là những thông tin cơ bản về hệ thống MES trong sản xuất, bao gồm những chức năng chính, lợi ích quan trọng và mối quan hệ giữa MES và ERP. Có thể hiểu ERP và MES  luôn cần song hành với nhau và để giúp doanh nghiệp đạt kết quả tốt nhất trong quá trình vận hành. Vì vậy các phần mềm ERP hiện nay đều có thể dễ dàng kết nối và đồng bộ hóa với hệ thống MES sẵn có tại doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ cộng sinh cơ bản để điều hành hoạt động sản xuất hiệu quả.

Doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu hoặc tích hợp MES và ERP, vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây

Công ty TNHH Dịch vụ – Giải pháp – Công Nghệ Ong Vàng Beetech Solutions

5/5 - (1 bình chọn)